Bất động sản 2020 sẽ còn nhiều khó khănCorona đang là “từ khóa” hiện diện ở tất cả lĩnh vực đời sống hiện nay. Những lo sợ về một đại dịch đã bước đầu gây những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều ngành nghề, và bất động sản cũng không ngoại lệ.
Anh Hùng, giám đốc một sàn môi giới tại quận 9, TPHCM, cho biết theo kế hoạch, sàn của anh sẽ hoạt động trở lại từ ngày Mùng 6 Tết âm lịch. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh corona đã làm đảo lộn mọi kế hoạch. Hiện tại, nhiều môi giới được cho làm việc ở nhà, số khác thì xin về quê tiếp tục “nghỉ tết” vì khách hàng cũng hạn chế gặp mặt.
“Đặc thù của nghề môi giới là gặp mặt trực tiếp, tổ chức bán hàng tập trung đông người, nhưng trong tình thế hiện nay thì bó tay”, anh Hùng than thở.
Ghi nhận của chúng tôi không ít sàn giao dịch và công ty môi giới đóng quân trên các tuyến đường thuộc nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM hiện vẫn “cửa đóng then cài”, chưa có dấu hiệu quay trở lại hoạt động.
Không chỉ các sàn môi giới nhỏ lẻ, dịch bệnh corona cũng đang phá vỡ nhiều dự định của các chủ đầu tư bất động sản lớn.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản lớn ở quận Bình Thạnh chia sẻ, theo kế hoạch thì ngay đầu năm 2020 công ty sẽ tổ chức một đợt mở bán quy mô lớn nhưng hiện nay đã buộc phải thay đổi kế hoạch vì dịch bệnh.
Bất động sản nghỉ dưỡng được cho là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh corona. Bên cạnh việc sụt giảm lượng lớn du khách từ Trung Quốc, nhiều du khách từ các châu lục khác cũng đang cân nhắc lựa chọn để né “ổ dịch” châu Á. Tình trạng các khách sạn, khu du lịch vắng khách đã xuất hiện.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, du lịch là ngành dễ bị tổn thương do tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Trong những tuần qua, các khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng, không chỉ từ các nhóm khách đoàn, khách công tác mà cả các đối tượng khách lẻ.
Khó khăn chồng chấtTheo bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, điểm nghẽn lớn nhất của thị trường bất động sản trong năm 2019 chính là những khó khăn, vướng mắc về pháp lý. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho hàng trăm dự án bị ngưng trệ, không thể triển khai, kéo theo hệ lụy là nguồn cung mới khan hiếm và đẩy giá bán tăng cao. Do đó, trong năm 2020, nếu điểm nghẽn này không được tháo gỡ thì thị trường rất khó trỗi dậy.
Mới đây, một đại gia địa ốc tại TP.HCM - doanh nghiệp đang sở hữu trong tay hàng chục dự án bất động sản lớn - đã phải gửi đơn “cầu cứu” Bộ trưởng Bộ Xây dựng để gỡ khó cho một dự án của doanh nghiệp này đã phải “chôn chân” suốt hai năm vì những vướng mắc về pháp lý. Thậm chí, doanh nghiệp này còn khẳng định, nếu không được sớm triển khai dự án, thì sẽ dẫn tới mất khả năng thanh khoản, tạo ra hệ lụy khó lường.
Với bất động sản nghỉ dưỡng, cú sốc Cocobay cuối năm 2019 đang để lại nhiều ám ảnh. Nhiều nhà đầu tư mất dần niềm tin vào condotel trong khi đây chính là sản phẩm đang dẫn đầu về số lượng tại các thị trường nghỉ dưỡng nổi tiếng như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc… Cùng với đó, việc condotel vẫn chưa có một “danh phận” pháp lý rõ ràng càng khiến cho khả năng quay lưng của các nhà đầu tư với phân khúc này càng cao hơn.
Một lo ngại khác đã được nhiều doanh nghiệp địa ốc nhắc đến từ trước. Đó là ảnh hưởng từ lộ trình siết vốn tín dụng vào bất động sản.Cụ thể, theo Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước, từ 1/1/2020 đến ngày 30/9/2020, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn là 40%, từ tháng 10/2022 sẽ giảm xuống còn 30%. Bên cạnh việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước còn tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.
Nhiều chuyên gia bất động sản vẫn tỏ ra lạc quan vào thị trường bất động sản 2020, song với những bối cảnh như trên thì không ít người dự báo thị trường địa ốc sẽ tiếp tục chứng kiến một năm đầy khó khăn.